Đối với những ai có làn da nhạy cảm hoặc đang gặp tình trạng kích ứng, việc tìm ra một quy trình skincare phù hợp không phải là điều đơn giản. Qua bài viết dưới đây, Skinista sẽ hướng dẫn chi tiết cho các bạn về cách chăm sóc cho da bị kích ứng.
1. Nguyên nhân khiến da bị kích ứng
1.1. Di truyền
Theo các nghiên cứu da liễu, bạn hoàn toàn có thể bị kích ứng da do yếu tố di truyền. Nếu bố mẹ có cơ địa da nhạy cảm thì con cái cũng sẽ có thể gặp tình trạng tương tự, thậm chí tỉ lệ trẻ em bị dị ứng do di truyền từ cha mẹ có thể lên tới 85%.
1.2. Thời tiết
Thay đổi thời tiết đột ngột là một trong những nguyên nhân gây kích ứng da như thay đổi độ ẩm, nhiệt độ hoặc tác động từ ánh nắng mặt trời. Kích ứng da do thời tiết thường có các biểu hiện như ngứa, châm chích, nổi mẩn đỏ, nổi mụn trên da.
1.3. Tiếp xúc với các yếu tố ô nhiễm môi trường
Hàng ngày, làn da phải tiếp xúc với các yếu tố như khói bụi, vi khuẩn, ánh nắng mặt trời từ môi trường bị ô nhiễm khiến hàng rào bảo vệ da bị tổn thương, vì vậy cũng rất dễ gây nên tình trạng kích ứng da.
1.4. Sử dụng mỹ phẩm không phù hợp
Các sản phẩm chăm sóc da có thể chứa một số thành phần gây hại cho da như cồn, paraben hoặc các chất tẩy rửa mạnh có thể khiến làn da gặp tình trạng kích ứng tạm thời như đỏ rát da, nổi mụn nước…. Thậm chí nếu thường xuyên tiếp xúc với các hoạt chất này lâu dài sẽ làm cho hàng rào bảo vệ da yếu đi khiến da trở nên nhạy cảm hơn.
1.5. Stress
Căng thẳng kéo dài có thể tạo ra cortisol dẫn tới trạng thái lo âu, mất ngủ thường xuyên khiến hormone bên trong cơ thể bị rối loạn và ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể và làm suy yếu chức năng của hàng rào bảo vệ da. Khi đó, làn da sẽ dễ bị kích ứng khi tiếp xúc với các yếu tố môi trường, đồng thời có thể khiến tình trạng kích ứng da trầm trọng hơn.
1.6. Rối loạn nội tiết tố
Nội tiết tố đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe làn da. Khi cơ thể bị rối loạn nội tiết cũng sẽ ảnh hưởng đến làn da, gây nên tình trạng nổi mụn, sạm da và khiến da trở nên nhạy cảm hơn. Vì vậy, phụ nữ trong thời gian dậy thì, mang thai, sau khi sinh hoặc trong thời kì tiền kinh nguyệt thường dễ bị kích ứng da hơn hẳn.
1.7. Chế độ sinh hoạt không lành mạnh
Chế độ nghỉ ngơi, ăn uống hàng ngày có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và làn da. Theo các chuyên gia da liễu, một chế độ sinh hoạt không lành mạnh, ăn nhiều thức ăn dầu mỡ, đồ ngọt và uống không đủ nước rất dễ gây nên tình trạng nổi mụn trên da, làm da tiết nhiều dầu hơn và trở nên nhạy cảm.
2. Dấu hiệu da bị kích ứng
2.1. Cảm giác nóng rát và ngứa râm ran
Sau khi tiếp xúc với tác nhân như hóa chất hoặc sản phẩm chăm sóc da, bạn có thể cảm thấy da nóng rát và ngứa râm ran. Cảm giác này có thể kéo dài từ vài phút đến khoảng một giờ. Đây là dấu hiệu cho thấy da đang phản ứng với tác nhân gây kích ứng và lớp bảo vệ da có thể đang bị tổn thương hoặc viêm.
2.2. Da bị sưng đỏ
Kích ứng da thường khiến da trở nên đỏ và sưng, đặc biệt là ở các vùng tiếp xúc trực tiếp với tác nhân kích ứng. Phản ứng sưng, đỏ là phản ứng viêm của da nhằm bảo vệ khỏi tác nhân gây hại. Da có thể bị sưng nhẹ hoặc trở nên nghiêm trọng hơn tùy thuộc vào mức độ kích ứng và độ nhạy cảm của da.
2.3. Da bị khô sần, bong tróc và xuất hiện mẩn đỏ hoặc mụn nước li ti
Da bị kích ứng có thể trở nên khô sần và bong tróc do sự mất nước hoặc tổn thương lớp bảo vệ da. Tình trạng mẩn đỏ, mụn nước li ti và các đốm nâu có thể xuất hiện như một phản ứng của da để xử lý phản ứng viêm và kích ứng. Những dấu hiệu này thường cho thấy da đang gặp khó khăn trong việc duy trì độ ẩm và phục hồi.
2.4. Hiện tượng đau và đỏ mắt, ngứa mắt, chảy nước mắt
Khu vực quanh mắt rất nhạy cảm và dễ bị kích ứng hơn những vùng khác. Nếu tác nhân gây kích ứng tiếp xúc với vùng mắt, bạn có thể gặp phải tình trạng đau mắt, đỏ mắt, ngứa mắt và chảy nước mắt. Phản ứng này có thể là dấu hiệu của viêm hoặc dị ứng.
2.5. Ngứa ngáy liên tục
Ngứa là dấu hiệu phổ biến của kích ứng da và có thể kéo dài liên tục mà không thuyên giảm. Ngứa ngáy xảy ra do các tác nhân gây kích ứng làm kích thích các dây thần kinh trên da, dẫn đến cảm giác khó chịu trên da.
3. Các bước skincare cho da bị kích ứng
Rửa mặt đúng cách
Đối với làn da đang bị kích ứng, bạn nên ưu tiên sử dụng sản phẩm dịu nhẹ, không chứa các chất tẩy rửa mạnh và chỉ sử dụng tay để massage trong quá trình làm sạch để tránh gây tổn thương bề mặt da.
Sử dụng tinh chất làm dịu da
Nếu đang gặp tình trạng kích ứng da, bạn nên ưu tiên sử dụng các loại serum chứa hoạt chất có khả năng dưỡng ẩm và phục hồi da như Ceramide, vitamin B5, Hyaluronic Acid, Peptide… Những thành phần này thường được các chuyên gia da liễu khuyên nên sử dụng cho làn da bị kích ứng nhờ khả năng làm dịu da, cấp ẩm vượt trội và củng cố chức năng của hàng rào bảo vệ da, từ đó sẽ cải thiện tình trạng kích ứng da nhanh chóng.
Dưỡng ẩm
Kem dưỡng ẩm đóng vai trò như một bước “khóa” lại toàn bộ các dưỡng chất được thoa lên da và duy trì một làn da căng bóng, mịn màng. Để da kích ứng được phục hồi nhanh hơn, bạn nên sử dụng kem dưỡng ẩm có chứa các hoạt chất lành tính như Peptide, Niacinamide, Vitamin B5, Ceramide…. cùng kết cấu mỏng nhẹ sẽ giúp làm giảm biểu hiện kích ứng da và không gây bít tắc lỗ chân lông.
Sử dụng kem chống nắng
Dù da bị kích ứng hay không thì việc bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV vẫn rất quan trọng. Bạn nên ưu tiên chọn kem chống nắng vật lý (chứa zinc oxide hoặc titanium dioxide) vì chúng ít gây kích ứng hơn so với kem chống nắng hóa học.
Làm đẹp là điều cần thiết, nhưng duy trì một làn da khỏe đẹp còn quan trọng hơn. Bằng việc chăm sóc da đúng cách và tuân thủ các lưu ý trên, bạn có thể giúp làn da bị kích ứng của mình phục hồi nhanh chóng hơn, khỏe mạnh và tươi tắn hơn.